Dự phòng tiền sản giật

Tiền sản giật chiếm 2-6% các thai kỳ có nguy cơ cao, do đó, cần có chế độ theo dõi và quản lý thai cẩn thận vì tiền sản giật làm tăng tỉ lệ tử vong và bệnh tật cho cả mẹ và thai. Ngoài ra, điều quan trọng là phần lớn các trường hợp TSG có thể dự phòng.

Tiền sản giật - Sản giật (TSG-SG) chiếm tỷ lệ: 2 - 6% các thai kỳ, là một trong năm tai biến sản khoa (TBSK) có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai, lúc chuyển dạ sinh và sau sinh. Đây là biến chứng thường gặp và nghiêm trọng trong thai kỳ.
Bệnh gây ra tình trạng tăng huyết áp, tiểu đạm, có thể kèm theo phù khu trú hoặc toàn thân, nguyên nhân chưa rõ, hậu quả là thiểu năng tuần hoàn tử cung - nhau, gây tổn thương hàng loạt các cơ quan của mẹ như ở gan (xuất huyết, vỡ gan), ở não (xuất huyết não), ở phổi (phù phổi cấp), ở thận (suy thận cấp), gây nhiều nguy cơ cho nhau và thai (nhau bong non, thai chậm tăng trưởng, sinh non, suy hô hấp, thai chết lưu…).
TSG-SG thường xuất hiện vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Quan điểm mới, chuyển sự tập trung tầm soát sớm tiền sản giật vào quý 1. Hiện nay, trong quản lý thai, những thai phụ có nguy cơ cao được tầm soát TSG-SG ở quý 1 thai kỳ (11 - 13 tuần 6 ngày).

Nhóm thai phụ nguy cơ cao TSG-SG:
  • Tuổi ≤ 20 hoặc ≥ 35 tuổi
  • Tiền căn thai kỳ lần trước có TSG-SG
  • Có các bệnh lý nội khoa đi kèm: Tăng huyết áp mãn, đái tháo đường, béo phì, đa thai, bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận, bệnh lý thận, bệnh lý miễn dịch, rối loạn chuyển hóa
  • Thai phụ có cân nặng trước mang thai thấp (BMI<18), suy nhược cơ thể, kinh tế khó khăn, mùa lạnh…
Hiện nay, với các phương pháp hiện đại như đo áp lực động mạch tử cung bằng siêu âm Doppler, đo huyết áp động mạch trung bình kết hợp đo lưu lượng tuần hoàn nhau thai, và siêu âm Doppler động mạch tử cung trong quý 1 thai kỳ phối hợp với các xét nghiệm sinh hóa máu mẹ (PAPP-A), IGF... Có thể giúp tầm soát > 90% TSG-SG, phát hiện sớm, tăng huyết áp do thai, nhau bong non và thai chậm phát triển trong tử cung, từ đó có kế hoạch dự phòng và chăm sóc thai kỳ chặt chẽ, giảm thiểu tối đa tiền sản giật nặng và sản giật.
 
Dự phòng
TSG-SG:                                                     
  • Dự phòng cấp 1:
    • Xác định thai kỳ nguy cơ cao: Tuổi mẹ ≤20 và ≥35, béo phì, đái tháo đường, tiền sử có tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý tuyến giáp, tuyến thượng thận, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, bệnh lý miễn dịch, thai kỳ song thai…)
    • Tầm soát TSG sớm: tuổi thai 11 – 13 tuần 6 ngày, siêu âm doppler động mạch tử cung, xét nghiệm PIGF…
    • Asprine liều thấp: 60 - 80mg/ngày và Cancium 1,5 -2g/ngày từ tuần thứ 14 thai kỳ.
    • Khám thai định kỳ, chuyển tuyến ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường 
  • Dự phòng cấp 2: Chẩn đoán sớm TSG, phát hiện kịp thời TSG nặng, theo dõi thai định kỳ, phát hiện sớm các nguy cơ, xử trí tích cực, hiệu quả.
  • Dự phòng cấp 3: điều trị TSG nặng hiệu quả, tránh biến chứng cho mẹ và thai, chấm dứt thai kỳ đúng lúc, điều trị hỗ trợ, chuyển tuyến an toàn cho mẹ và thai ./.

Bs CKII Dương Thanh Hiền
TT Chăm sóc SKSS
 

các bài viết khác