BỆNH MẮT CÁ CHÂN

Bệnh mắt cá chân là một trong những bệnh thường gặp ở người trung tuổi hoặc lớn tuổi. Tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người.

 BỆNH MẮT CÁ CHÂN[1] 
Bs Trương Ngọc Tiến
TT Chắm sóc SKSS Bình Dương
 
Bệnh mắt cá chân là một trong những bệnh thường gặp ở người trung tuổi hoặc lớn tuổi. Tuy không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Bệnh mắt cá chân là một tổn thương dày sừng khu trú ở lòng bàn chân. Vị trí thường xuất hiện ở những nơi mà xương bàn chân tiếp xúc với giày dép như: mặt lòng của ngón chân thứ 5, cạnh bàn chân, gót chân, gò cái lòng bàn chân. Biểu hiện là trung tâm tròn chứa chất sừng, da xung quanh có viền dày sừng, màu vàng trong, ấn vào thì đau. Mắt cá có khi phẳng, có khi lồi lên khỏi mặt da, bề mặt láng hay có vảy. Mắt cá thường rất đau vì ở những vị trí dễ kích thích cọ sát. Mắt cá không lây lan nhưng có khả năng bị nhiễm trùng. Thông thường chỉ có 1-2 cái.
Chẩn đoán phân biệt bệnh mắt cá chân
  1. Mụn cóc lòng bàn chân: Mụn cóc lòng bàn chân thường ở sâu hơn, ít đau, khô hơn, xuất hiện thường có nhiều cái, nhìn kỹ có những gai nhỏ và thường có những chấm đen. Vị trí không nhất thiết phải ở vùng tỳ ép. Mụn cóc lòng bàn chân có thể lây lan sang những vùng khác trên cơ thể và có thể lây lan cho người khác.
  2. Chai chân: vốn là tổn thương dày sừng thường xuất hiện do sự ma sát, tỳ đè kéo dài; tổn thương là đám da dày màu ngả vàng, hơi cộm lên, hình trong hay bầu dục, sờ cứng, không đau hoặc đau không đáng kể, không có nhân ở giữa
Điều trị như thế nào? Có thể điều trị theo những cách sau:
Thuốc lột mạnh (salicylic acid), liệu pháp đông lạnh (cryotherapy), tiểu phẫu hoặc đốt bằng laser. Bạn nên được Bác sĩ  tư vấn, khám và cho hướng điều trị phù hợp với bạn nhất. Khi phát hiện mới bị bệnh mắt cá thì cần chữa trị sớm để có kết quả tốt hơn. Bạn có thể liên hệ Phòng Da liễu, TT Chăm sóc SKSS Bình Dương để được hỗ trợ.
Làm thế nào để phòng ngừa phòng ngừa bệnh mắc cá chân?
  • Giữ chân sạch sẽ và khô ráo.
  • Tránh đi chân trần.
  • Cần phải tránh mang các loại giày quá chật, tránh mang guốc cao gót. Nên mang các loại dép để thông thoáng hơn.
  • Nếu phải mang giày thường hay cọ xát với bàn chân thì nên dùng thêm vớ, hoặc sử dụng thêm miếng đệm, miếng lót giày./.

các bài viết khác